Quy tắc "10 không" trong nuôi dạy con khiến trẻ lớn lên thông minh lại độc lập
- Nhiều cha mẹ thường lo nghĩ quá nhiều trong việc nuôi dạy con cái khiến chúng trở nên phức tạp, lại dễ dàng thất bại. Áp dụng ngay quy tắc "10 không" trong việc nuôi dạy con cái này khiến cha mẹ nhàn tênh mà con lớn lên thông minh, độc lập lại ngoan ngoãn.
1. Không tặng thưởng món quà nặng vật chất
Trẻ con thường "cả thèm chóng chán", chúng chỉ ham thích đồ chơi mới trong khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày. Sau đó, là chán và trẻ sẽ vứt đồ chơi sang một bên. Rất khó để đồ chơi có thể trở thành "người bạn" vĩnh viễn của trẻ trừ trường hợp nó lưu giữ một kỷ niệm khiến trẻ không bao giờ quên. Vì vậy, khi lựa chọn phần thưởng cho con, bố mẹ nên chọn những phần thưởng có thể khơi dậy hứng thú, đồng thời giúp kết nối các thành viên trong gia đình. Không nên tặng trẻ những món đồ quá nặng về vật chất, sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí khi bị trẻ vứt bỏ và khiến cho trẻ hình thành nên tính cách tự cao, ham vật chất hơn giàu tình cảm.
Ví dụ như, khi con học được điểm cao mẹ sẽ cùng con chơi những trò chơi con thích hoặc nấu cho con những món ăn ngon đặc biệt. Đối với trẻ đây là những phần thưởng vô cùng thú vị lại còn giúp gia tăng gắn kết giữa cha mẹ và con.
2. Không so sánh con mình với "con nhà người ta"
Một điều xuất hiện rất nhiều trong những chia sẻ của con khi nói về cha mẹ của mình đó chính là mong muốn cha mẹ không so sánh chúng với người khác nữa. Nếu bố mẹ cứ liên tục lấy "con nhà người ta" là hình mẫu chuẩn cho con nhà mình thì trẻ sẽ dần mất đi sự tự tin vốn có của bản thân. Từ đó, con ngại thể hiện tiềm năng trước mặt bố mẹ, thậm chí là che giấu vì sợ sẽ bị tiếp tục đem ra so sánh, chê không bằng "con nhà người ta".
Không chỉ vậy, việc bạn lấy một người khác để làm khuôn mẫu cho con mình thì là đang ngăn cản sự phát triển vượt trội của trẻ mà chỉ có thể nằm trong khuôn mẫu sẵn có mà thôi. Nếu không được người lớn nhìn nhận đúng năng lực, trẻ sẽ cảm thấy bản thân thực sự kém cỏi và vô dụng, kèm theo đó có thể tiêu cực hơn là ôm hận, tức tối, thậm chí là đi gây gổ với người khác để đòi lại công bằng.
3. Không khắt khe thời gian biểu của con
Không ít các bậc phụ huynh thiết lập thời gian biểu cho con mỗi ngày và bắt buộc con theo đúng thời gian biểu đó. Ví dụ như đi học về nhất định phải đi tắm rồi lên bàn học, sau khi học xong mới được đi chơi trong tầm thời gian cụ thể nào đó. Điều này là không nên, bạn không cần phải quá tách biệt hai vấn đề chơi và học như vậy. Bạn có thể để cho con khi học cũng có thể chơi, khi chơi cũng có thể học. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy chuyện học không hề đáng sợ và tăng cảm giác thích thú trong học tập hơn.
4. Không nên thay con quyết định
Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ, vẫn có quyền được đưa ra sự lựa chọn cho bản thân. Để con tự quyết định sẽ giúp con cảm thấy bản thân được nhận sự tôn trọng từ chính cha mẹ mình và con có thể trở thành những con người có trách nhiệm, suy nghĩ trước khi làm trong tương lai. Việc của bạn là đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng, phân tích những cái lợi cũng như cái hại của từng lựa chọn để con có thể tham khảo, mà không mang tính chất ép buộc. Ví dụ đơn giản như khi đi mua kem, bạn nên để các con tự chọn vị mình thích. Hay ngay cả vấn đề quan trọng hơn như chọn trường, cha mẹ cũng đừng nên can thiệp mà hãy tôn trọng quyết định của con.
5. Không để con tham gia quá nhiều lớp học ngoại khoá
Thay vì dành thời gian bắt con đến các lớp học ngoại khóa, nâng cao kỹ năng, các bậc làm cha mẹ nên đưa con đi chơi cùng gia đình, điều này sẽ tốt hơn cho sự phát triển của trẻ. Không phải là kỹ năng không quan trọng mà tình cảm gia đình, suy nghĩ tình cảm bên trong quan trọng hơn nhiều. Cha mẹ nên cho con tham gia vào những kỹ năng bổ ích, thật sự cần thiết cho tương lai của con mà vẫn dành thời gian cho vui chơi với gia đình, bạn bè.
6. Không nên phản đối chuyện yêu đương thời trung học
Tình yêu giúp chúng ta biết được cảm giác được yêu và dạy chúng ta biết cách yêu thương mọi người. Thay vì cấm con yêu, cha mẹ nên khuyên có sống có trách nhiệm, con gái có trách nhiệm bảo vệ bản thân, con trai với bạn gái của mình. Đồng thời cha mẹ cũng nên sớm dạy cho con hiểu về kiến thức giới tính, để con có thể phát triển tốt nhất có thể.
7. Không nên nói dối con
Lời hứa luôn vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của con và cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ nên tuân thủ lời hứa với con, nếu không trẻ sẽ có suy nghĩ cha mẹ là "kẻ nói dối" và không còn tin tưởng vào cha mẹ mình nữa. Nếu con trẻ không còn tin vào lời hứa thì cuộc sống sau này của con sẽ rất cô đơn.
8. Không nên đánh mắng con
Khi con phạm lỗi, đánh một roi và bắt con hứa lần sau không thế nữa, thì chắc chắn một điều rằng con sẽ không thể nhanh chóng hiểu được bản thân đã làm sai điều gì và lỗi lầm ấy có ảnh hưởng ra sao. Và con sẽ tiếp tục sai lầm vào lần sau là điều có thể dễ dàng đoàn trước. Thay vì đánh mắng con, bạn nên giảng giải về sai lầm của con là cách dạy dỗ đúng nhất.
9. Không nên để con chờ đợi khi con đặt câu hỏi
Khi con đặt câu hỏi, bố mẹ nên sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi của con, nếu gặp câu hỏi không biết, hãy cùng con tìm ra câu trả lời. Làm như vậy, trẻ sẽ không bị cảm thấy bị lạc lõng, mà có thể cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình.
10. Không nên vì công việc bỏ rơi con
Thời gian mà phụ huynh dành ra để bên cạnh các con, dù có ngắn ngủi thế nào, 2 phút hay 5 phút thì đối với bọn trẻ, đó chính là thiên đường không gì có thể sánh bằng. Không có trò chơi nào vui và thú vị bằng trò chơi chơi cùng với cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ hãy dành thời gian chơi cùng hoặc tâm sự với con nhé!
Xem thêm