Dinh dưỡng phát triển chiều cao tối đa cho trẻ

Trẻ em là nguồn nhân lực chủ yếu để xây dựng đất nước trong tương lai. Một quốc gia có nguồn nhân lực khỏe mạnh, thông minh, tầm vóc & thể lực tốt là có cả một tiềm năng phát triển.

Nhật Bản cũng là một nước Châu Á, trước đây được xem là một dân tộc thấp bé nhưng sự phát triển thể chất của người dân Nhật ngày nay đã cải thiện rất đáng kể so với trước đây nhờ vào các chương trình dinh dưỡng quốc gia, đặc biệt là chương trình dinh dưỡng học đường. Điều này cho thấy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng nhanh như giai đoạn tiền dậy thì & dậy thì.

Kể từ lúc trẻ chào đời, cho đến khi trẻ dần lớn lên, tốc độ tăng trưởng về chiều cao trẻ chậm hẳn lại so với những năm đầu đời. Thế nhưng, việc phải cung ứng đủ năng lượng, dưỡng chất cho trẻ, nhất là trong giai đoạn tiểu học, là điều hết sức cần thiết giúp trẻ tăng trưởng đều đặn về thể chất và các chức năng quan trọng khác (tâm lý, vận động …) nhằm tạo dự trữ tốt chuẩn bị cho sự tăng vọt ở tuổi dậy thì.
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: mạnh nhất là yếu tố dinh dưỡng (32%), sau đó là yếu tố di truyền (23%),  vận động thể lực (20%), môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ…

1.Giai đoạn phát triển chiều cao:

- Có ba giai đoạn có tính chất quyết định về chiều cao:
Giai đoạn bào thai: Trong suốt 9 tháng mang thai, người mẹ cố gắng đảm bảo dinh dưỡng tốt nhằm tăng trọng từ 10-12kg để bé đạt chiều cao 50cm lúc sinh (tương ứng cân nặng lúc sinh khoảng 3kg)
•Giai đọan sơ sinh đến 3 tuổi:
•Năm thứ nhất: tăng 25 cm
•Hai năm kế tiếp: mỗi năm tăng 10cm.
•Sau 4 tuổi: chiều cao tăng trung bình 5 – 6 cm/năm cho đến tuổi dậy thì
Giai đọan dậy thì:
•Trẻ gái 10-16 tuổi, trẻ trai 12-18 tuổi là thời gian dậy thì.
•Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, có một đến hai năm chiều cao tăng vọt 8 – 12 cm mỗi năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên không thể dự đoán chính xác đó là năm nào nên cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ suốt trong giai đoạn này.
•Sau tuổi dậy thì: chiều cao trẻ tăng rất chậm.
•Trẻ 10 tuổi sẽ có chiều cao bằng 80% chiều cao lúc trưởng thành.
•Chiều cao lúc trưởng thành được ước đoán bằng chiều cao lúc 2 tuổi X 2
Ví dụ: một trẻ 24 tháng cao 85cm, nếu đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, chiều cao ước tính sẽ đạt được lúc trưởng thành là 85 x 2cm = 170 cm
Giai đoạn từ 25-30 tuổi: chiều cao ngưng phát triển. Về sau, nếu quá trình loãng xương xảy ra nhanh, cơ thể chỉ có thể thấp lại chứ không cao thêm lên được nữa.


Nhận Xét:

Khi trẻ dần lớn lên, tốc độ tăng trưởng về chiều cao chậm hẳn lại so với những năm đầu đời. Trong suốt thời gian nói trên, việc cung ứng đủ năng lượng, dưỡng chất cho trẻ trong giai đoạn tiểu học, từ 6 đến 10 tuổi, là điều hết sức quan trọng nhằm giúp trẻ tăng trưởng đều đặn về thể chất và các chức năng quan trọng khác (tâm lý, vận động …) nhằm tạo dự trữ tốt chuẩn bị cho sự tăng vọt ở tuổi dậy thì.

2.Phát triển thể chất bình thường của trẻ nói chung: để chiều cao trẻ phát triển tốt, điều kiện tiên quyết trẻ phải tăng cân. Phát triển thể chất bình thường có nghĩa là bé phải đạt được cân nặng và chiều cao trung bình theo tuổi như sau:

Tuổi Cân nặng (kg) Cao (cm)
1 9 75
2 12 85
6 20 116 – 118
10 32 138 – 140
18 55 – 56 168 – 170

 

(Theo tiêu chuẩn NCHS – National Center of Health Statistic)

 

3.Phát triển thể chất bình thường của trẻ tiểu học:

Năm Tuổi Nam Nữ
Cao (cm) Cân nặng (kg) Cao (cm) Cân nặng (kg)
6 116,1 20,7 114,6 19,5
7 121,7 22,9 120,6 21,8
8 127,0 25,3 126,4 24,8
9 132,2 28,1 132,2 28,5
10 137,5 31,4 138,3 32,5

 

 

4.Nhu cầu dinh dưỡng trẻ lứa tuổi tiểu học: Để sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng được đều đặn và tương xứng, cơ thể trẻ cần phải nhận đủ năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày:

Tuổi Năng lượng (kcal/ngày) Đạm (g/ ngày) Canxi (mg/ ngày) Vitamin D (mg/ ngày)
6 1600 36 500 10
7-9 1800 40 500 10
10 2200 50 700 10
Tuổi Sắt (mg/ngày) Kẽm (mg/ ngày) Iốt (mg/ ngày) Vitamin A (mg/ ngày) Vitamin C (mg/ ngày)
6 7 10 90 400 45
7-9 12 10 120 400 55
10 12 15 150 500 65

 

 

5.Nguyên tắc để đạt được nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi tiểu học:
•Ăn đủ bữa: ngòai 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều) cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ
•Bữa ăn chính: cần đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm giàu chất bột, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu chất đạm và nhóm giàu vitamin, khoáng, chất xơ (rau, quả…)) nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ.
•Bữa phụ: có thể dùng những thức ăn gọn, sẵn có: bánh bông lan, khoai, chè, sữa … nên ưu tiên uống sữa.
•Bữa ăn sáng là bữa chính: cung cấp năng lượng cho trẻ học tập và hoạt động cho một ngày mới. Do đó, trẻ không được bỏ hoặc ăn sáng không đầy đủ sẽ dẫn đến hạ đường huyết trong giờ học buổi sáng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất trẻ
•Đảm bảo nhu cầu Canxi:
•Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng (99%), giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa. Lượng sữa cần cho trẻ mỗi ngày là từ 500ml đến 600ml.
•Thức phẩm giàu Canxi: sữa, cua ốc, tôm, tép, cá nhỏ nguyên xương …
•Ăn nhiều thực phẩm giàu Lysin:
•Lysin là một loại acid amin góp phần quan trọng trong tăng trưởng chiều cao của trẻ.
•Lysin thường bị thiếu do khẩu phần ăn của trẻ chủ yếu dựa vào ngũ cốc và Lysin dễ bị phá hủy trong quá trình chế biến nấu nướng thức ăn. Do vậy, cần giúp trẻ ăn đa dạng thức ăn nhằm tránh thiếu hụt Lysin.
•Thức phẩm giàu Lysin: thịt, cá, trứng, sữa, các lọai đậu, đậu nành …
•Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt:
•Sắt là nguyên liệu để tạo máu. Thiếu chất sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây chậm tăng trưởng, ảnh hưởng sức khỏe, sức học, khả năng tư duy, sáng tạo kém.
•Thức ăn nhiều sắt: gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau dền, sữa bổ sung sắt.
•Tăng hấp thu sắt bằng vitamin C trong rau củ, trái cây …
•Tình trạng nhiễm giun sán gây ra thiếu máu thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến ở Việt Nam, vì vậy trẻ (và cùng cả gia đình) cần định kỳ tẩy giun 2 lần mỗi năm.
•Ăn nhiều thực phẩm giàu chất kẽm:
•Chất kẽm rất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, giúp phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến biếng ăn, chuyển hóa và trao đổi chất kém, cuối cùng là tăng trưởng kém.
•Thức phẩm giàu kẽm: hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, trứng (lòng đỏ), cá, đậu nành …
•Sử dụng muối Iode trong chế biến thức ăn:
•Iod là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Thiếu I ốt sẽ dẫn đến sự trì trệ về phát triển thể chất lẫn tâm thần của trẻ.
•Thức ăn giàu Iod: Muối iod, phomai, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo …
Cụ thể một ngày, nhu cầu về năng lượng và đạm được cung cấp từ một số thực phẩm phổ biến ở lứa tuổi tiểu học như sau:

Stt Tên thực phẩm 6 – 9 tuổi 10 – 12 tuổi
 1 Gạo 220 – 250g 300- 350g
 2 Thịt 50g 70g
 3 Cá(tôm) 100g 150g
 4 Đậu phụ 100g 150g
 5 Trứng (gà, vịt) 1/2 quả 1quả
 6 Dầu (mỡ) 20g 25g
7 Sữa 500 –  600ml 500 –  600ml
 8 Đường 10 – 15g 15 – 20 g
 9 Rau xanh 250 – 300g 300 – 500g
 10 Trái cây chín 150 – 200g 200 – 300g

6.Các yếu tố ngoài dinh dưỡng ảnh hưởng đến chiều cao:
•Di truyền: Do gen quyết định
•Vận động thể lực: Vận động sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể và tăng cường đưa canxi vào mô xương giúp xương dài ra và  vững chắc hơn. Cần tạo cho trẻ thói quen luyện tập, vận động mỗi ngày bằng những công việc hàng ngày và thể dục thể thao vừa sức, phù hợp từng độ tuổi, điều kiện gia đình … trong gia đình và trường học
•Giấc ngủ: Ngủ nhiều, ngủ sâu giúp tiết hormon tăng trưởng, giúp tăng hấp thu Canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện.
•Chăm sóc trẻ: Chích ngừa đầy đủ giúp phòng tránh bệnh tật, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp trẻ hạn chế mắc các bệnh nhiễm trùng, ngộ độc, có điều kiện để có sức khỏe và tăng trưởng tốt.
•Cải tạo môi trường sống: Vệ sinh, an toàn, hạn chế bệnh tật. Quá trình theo dõi và chăm sóc toàn diện cho trẻ phải được liên tục từ lúc mới sinh cho đến khi trẻ hết tăng trưởng chiều cao.

7.Những vấn đề thường gặp ảnh hưởng tăng trưởng chiều cao trẻ em:
•Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng: Điều trị biếng ăn, suy dinh dưỡng sớm sẽ giúp trẻ bắt kịp sự  tăng trưởng của các bạn cùng lứa tuổi.
•Trẻ dư cân béo phì:
•Trẻ thường rất thèm ăn và đa số trẻ thừa năng lượng là từ cơm và chất béo từ dầu mỡ. Đối với trẻ có tình trạng dư cân ít, nên cho trẻ sử dụng các loại sữa tươi không đường. Đối với trẻ béo phì, loại sữa nên chọn là sữa tách béo (sữa gầy – sữa không béo – sữa tách bơ… dành cho trẻ trên 6 tuổi).
•Trẻ béo phì vẫn cần nhận đủ lượng canxi cần thiết cho việc tăng chiều cao của cơ thể, khắc phục tình trạng béo phì.
•Trẻ không thích uống sữa: Bao gồm 2 tình huống:
•Hoàn toàn không thích uống bất kỳ một loại sữa nào: Cần khuyến khích trẻ ăn thêm những thực phẩm được làm từ sữa (sữa chua, phô mai…), thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi như: Cua đồng, tôm, tép, ốc, cá con ăn luôn cả xương.
•Không thích uống sữa bột, chỉ thích uống sữa tươi: Ý thích này có thể chấp nhận được, vì như thế sẽ tạo sự hứng thú giúp trẻ uống đủ lượng sữa cần thiết cho cơ thể.
•Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt giúp trẻ hồng hào:
•Cần chú ý cho bé ăn những thức ăn giàu sắt, “bổ máu” như huyết, gan, thịt, cá, tôm tép, đậu đỗ, rau lá xanh. Vitamin C trong rau quả tươi giúp bé hấp thu tốt chất sắt có trong thức ăn
•Tẩy giun định kỳ 6 tháng 01 lần: đề phòng nhiễm giun sán làm mất chất  sắt của trẻ
•Phòng ngừa thiếu kẽm: Cần chú ý cho bé ăn thịt, cá, trứng, sữa và nhất là hải sản (nghêu, sò, hàu …)
•Phòng ngừa thiếu Iode: Cần sử dụng muối Iode trong chế biến thức ăn hàng ngày
•Trẻ ít vận động, luyện tập:
•Do học tập quá căng thẳng, thói quen thích những trò chơi ở trạng thái tĩnh như  đọc sách, chơi game hoặc không gian sống quá chật hẹp không thuận tiện cho việc luyện tập cơ thể
•Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ vận động, luyện tập ít nhất là 1 giờ mỗi ngày, các hình thức vận động có thể là đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, chơi cầu lông, đi xe đạp, bơi lội, giúp mẹ làm việc nhà, leo cầu thang….
•Không có điều kiện để tiếp xúc nhiều ánh nắng: Cần tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên khoa nhi để được hướng dẫn sử dụng một chế phẩm vitamin D phù hợp cho cơ thể trẻ
•Ngủ ít: Tuyến yên của cơ thể tiết ra yếu tố kích thích tăng trưởng trong giấc ngủ, thường có câu “ trẻ em dài ra trong giấc ngủ”, vì vậy trẻ cần được ngủ sớm (từ 9 – 10 giờ tối) và ngủ ít nhất là 8 tiếng mỗi ngày.
•Môi trường sống: Ở những vùng không khí và môi trường xung quanh bị ô nhiễm trẻ dễ nhiễm bệnh  sẽ dẫn đến chậm tăng trưởng (ăn kém trong thời gian bệnh, rối loạn tiêu hóa do dùng thuốc kháng sinh kéo dài để điều trị bệnh, sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng như canxi và các yếu tố liên quan đến tăng trưởng chiều cao …)

THS BS DƯƠNG CÔNG MINH
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng